Mỹ phẩm handmade là một dòng mỹ phẩm rất phổ biến trong xu hướng làm đẹp ngày nay. Tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nhãn mác xuất xứ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, vì vậy việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Sau đây tư vấn Blue sẽ hỗ trợ bạn thủ tục kinh doanh mỹ phẩm handmade.
Theo khoản 1 điều 2 thông tư 06/2011/TT-BYT thì “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.”
Như vậy các sản phẩm mỹ phẩm thường gặp là son, kem dưỡng da, kem tay, dầu gội đầu, sữa tắm…
Để kinh doanh các mặt hàng trên, trước tiên cần đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuỳ theo quy mô và mục đích kinh doanh có thể đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, hoặc doanh nghiệp với các mô hình sau:
– Công ty TNHH một thành viên
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên
– Công ty cổ phần
– Công ty hợp danh
– Doanh nghiệp tư nhân
Sau khi đăng ký kinh doanh thành công, nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp làm thủ tục Công bố sản phẩm mỹ phẩm để được đưa sản phẩm ra thị trường theo quy định tại khoản 1 điều 3 thông tư 06/2011/TT-BYT
“Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.”
Hồ sơ công bố được quy định tại điều 4 thông tư này, gồm:
Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (2 bản) kèm bản mềm được lập theo phụ lục 01- MP
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường
Trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất thì phải có bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất và Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp tại Sở y tế nơi doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và lệ phí theo quy định, Sở y tế ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng 05 ngày phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức cá nhân để sửa đổi hồ sơ. Nếu trong vòng 03 tháng không nhận được hồ sơ bổ sung thì hồ sơ công bố không còn giá trị (theo quy định tại điều 7 thông tư 06/2011/TT-BYT về thủ tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm).
Phiếu công bố có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp. Sau 5 năm tổ chức, cá nhân phải công bố lại và nộp lệ phí theo quy định.
Trên đây là thủ tục kinh doanh mỹ phẩm handmade để có thể đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường theo đúng thủ tục pháp luật quy định. Nếu có vấn đề thắc mắc hãy liên hệ với tư vấn Blue để được giải đáp nhanh chóng, kịp thời.