Vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn gặp nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng vào vấn đề này. Là tài sản vô hình, song sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang tạo ra tài sản hữu hình cho doanh nghiệp. Tài sản này càng có giá trị trong thời đại cách mạng 4.0 khi trí tuệ con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xem trọng loại tài sản vô hình này…Theo đánh giá của PWC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới năm 2016 là 53%, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%…
Mới đây, Hội Sáng chế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng thương hiệu và phòng chống hàng giả cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đỗ Hữu Quang, nguyên Phó Cục trưởng, Phụ trách khu vực phía Nam, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4, cá biệt có trường hợp chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được các doanh nghiệp trong nước quan tâm. Vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những ý nghĩa, nội dung, quy định của việc đăng ký bảo hội quyền sở hữu trí tuệ hoặc hết sức thờ ơ với sở hữu trí tuệ.
Để bảo vệ quyền của mình một cách hiệu quả, theo ông Quang, trước hết doanh nghiệp cần thực hiện quyền tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm như in tem chống giả, sử dụng bao bì được in theo công nghệ hiện đại; dùng các biện pháp kĩ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm để bảo hộ; đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ mà mình đang sử dụng hoặc sẽ sử dụng. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chiến lược về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; tổ chức hệ thống thông tin dữ liệu về sở hữu trí tuệ để có được những thông tin về các đối thủ cạnh tranh và tránh khỏi việc xâm phạm quyền của người khác.
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Quang, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay chủ yếu do các cơ quan nhà nước thực hiện, chưa có sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tiêu dùng trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp. Các doanh nghiệp cũng không nên né tránh, ngại kiện cáo khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp, vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại nhiều bất cập ở các địa phương. Nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương vẫn bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương cho biết, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hoạt động hỗ trợ chưa tương xứng tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Một số cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích, giá trị của việc xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, cho nên chưa quan tâm tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ để gây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhiều tài sản trí tuệ của các địa phương chưa khai thác được hết giá trị, thậm chí một số tài sản trí tuệ không duy trì sản xuất hoặc không đóng phí gia hạn văn bằng bảo hộ dẫn đến bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ. Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thật sự mạnh trong lĩnh vực SHTT.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là SHTT trong giai đoạn tới là vấn đề lớn đặt ra đối với cộng đồng khoa học và nhà quản lý. Do đó, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương cần tham mưu, lồng ghép, tư vấn đưa SHTT trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương, lúc đó các sản phẩm chủ lực mới đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế của các địa phương.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tư vấn Blue để được tư vẫn miễn phí.